Độc giả hỏi: Tôi vừa đọc bản tin nói, bên Tàu có người Tàu mổ thận, lấy ra 420 cục sạn. Bác sĩ bảo do bệnh nhân ăn nhiều tàu hũ có nhiều calcium, mà lại uống nước ít nên mới sinh ra sạn thận. Tôi thỉnh thoảng ăn đậu hũ, nhưng ngày nào tập thể dục cũng uống một ly sữa đậu nành, vậy có nguy cơ gì không?
Vũ Thế Thành
Sạn thận đâu chỉ có oxalic và calci

alcium và acid oxalic có rất nhiều trong các loại rau quả củ. Những người sức khoẻ bình thường mắc mớ gì phải kiêng khem. Chẳng lẽ những nhà tu hành trai trường cả đời đều bị sạn thận?
Đậu nành có nhiều calcium. Sạn thận là sạn calcium. Vậy ăn nhiều đậu nành dễ bị sạn thận. Không có chuyện suy đoán đơn giản như vậy.
Sạn thận có nhiều loại: sạn calcium, sạn struvite (do nhiễm trùng đường tiểu, thường có ở phụ nữ), sạn acid uric (do nước tiểu có nhiều acid), và sạn cystine (chất cystine không tái hấp thụ được nên kết tinh ở thận).
Trong các loại sạn trên, thì sạn calcium oxalate thường gặp nhất (chiếm 80%). Thực ra, calcium cũng có thể tạo sạn với phosphate, nhưng rất ít. Bài này chủ yếu nói về sạn calcium oxalate, cũng là loại sạn mà độc giả nêu câu hỏi.
Calcium gặp acid oxalic thì kết tủa (tạo sạn). Chỉ cần né một trong hai thứ đó thì khỏi lo sạn thận? Chuyện cũng không đơn giản như vậy.
Calcium và acid oxalic có rất nhiều trong các loại rau quả củ,…Calcium hấp thụ qua đường ruột, rồi dự trữ trong xương. Acid oxalic có trong cơ thể người (từ thực phẩm), thậm chí cơ thể cũng tạo ra được acid oxalic (chuyển hoá từ vitamin C). Chạy đâu cũng không thoát được 2 của nợ này. Bình thường calcium gặp acid oxalic thì kết tủa thành calcium oxalate, nhưng kích thước rất nhỏ, nên bị đào thải qua phân và nước tiểu.
Chỉ riêng một số rất ít người, calcium oxalate cứ kết tủa vướng víu trong thận, bàng quang, và lớn dần thành sạn.
Nguyên nhân tạo sạn vẫn còn bí ẩn
Nguyên nhân (gốc) vì sao hình thành sạn đến nay khoa học vẫn chưa giải thích được (tiện nhất là đổ thừa do di truyền). Nhưng nguyên nhân gần thì có thể lý giải, với nhiều tình tiết ly kỳ, dẫn đến cách phòng ngừa sạn thận cũng khác nhau.
Có những người không hiểu vì sao cơ thể họ lại hấp thu calcium rất nhiều từ thực phẩm, thậm chí rút cả calcium từ xương của họ để thải qua nước tiểu (tình trạng tăng thải calcium trong nước tiểu – hypercalciuria). Nồng độ calcium cao trong nước tiểu dẫn đến hình thành sạn. Tình huống này, khoa học có xu hướng tìm cách hạ mức calcium trong nước tiểu, hơn là phải kiêng cử thực phẩm có calcium.
Lại có người, không hiểu vì sao nồng độ oxalate trong nước tiểu của họ rất cao (tình trạng tăng thải oxalate trong nước tiểu type 2 –hyperoxaluria). Trường hợp này, giới y học đề nghị giảm bớt ăn thực phẩm chứa nhiều oxalate, và tăng thực phẩm có nhiều calcium. Vì sao lại phải ăn thêm calcium? Khoa học cho rằng, calcium (từ thực phẩm) sẽ kết hợp với acid oxalic ngay trong ruột thành calcium oxalate rồi theo phân ra ngoài, chứ không đi vớ vẩn để ruột hấp thu, theo đường máu, rồi gặp acid oxalic ở thận, bàng quang, kết tủa ở đó thì sinh chuyện.
Cũng có người do rối loạn tiêu hoá, hấp thu chất béo rất kém, dẫn đến tăng hấp thu oxalate, gọi là chứng tăng thải oxalate trong nước tiểu do đường ruột (enteric hyperoxaluria). Trường hợp này cũng phải kiêng thực phẩm cao oxalate, và bữa ăn cũng phải có calcium này nọ
Còn vài trường hợp hình thành sạn calcium oxalate khác nữa, như giảm citrate hoặc magnesium niệu. Nhưng nói chung một khi đã bị sạn thận thì rất dễ tái phát. Ông Tàu 420 viên sạn nêu trên cũng là trường hợp tái phát, và 420 viên sạn thận vẫn chưa nhằm nhò gì. Theo tờ The Independent (UK), kỷ lục thuộc về một bệnh nhân Ấn Độ “lập” vào năm 2009. Bác sĩ đã moi từ thận trái của bệnh nhân này ra 172.155 cục sạn.
Khoẻ mạnh thì mắc mớ gì phải kiêng khem
Trước đây nói tới sỏi thận thì thiên hạ đều “chiếu tướng” acid oxalic, như ở Việt Nam cách nay 2 năm, truyền thông đã gây ồn ào, nào là mì gói oxalic, gạo oxalic,… Thực ra, acid oxalic từ thực phẩm chỉ chiếm khoảng 10 -15% trong tổng số oxalate tìm thấy trong nước tiểu của người bị sạn thận. Do đó giới khoa học cho rằng, kiêng khem quá đáng thực phẩm oxalic, chưa chắc đã làm giảm đáng kể việc tái phát. Dĩ nhiên cũng tuỳ trường hợp phải hạn chế oxalic, như trường hợp tăng thải oxalate nêu trên.
Khoa học vẫn còn tranh cãi ít nhiều về vấn đề dinh dưỡng cho người bị sạn thận, nhưng hiện nay họ nhắm vào protein, calcium, và lượng nước uống, chứ không riêng gì acid oxalic. Uống nước ít quá thì nồng độ 2 thứ oan gia đó trong nước tiểu tăng lên, sạn sẽ hình thành. Nhưng uống bao nhiêu nước là vừa? Calcium là chất khoáng mà cơ thể rất cần, đâu thể nhắm mắt bỏ qua. Bị sạn uric mà cua ghẹ tôm cá cứ ăn tới tới thì phiền rồi.
Một khi đã bị sạn thận thì vấn đề đã thuộc lĩnh vực y học (điều trị), vượt quá phạm vi an toàn thực phẩm của bài viết. Tốt nhất nên đến bệnh viện, không đơn giản chỉ là chụp phim, lấy sạn, mà còn được chỉ định làm nhiều xét nghiệm khác nữa để tìm nguyên nhân hình thành sạn. Sau đó, tuỳ trường hợp, bác sĩ mới cho lời khuyên về ăn uống để tránh tái phát, mà vẫn bảo đảm mức cân bằng dinh dưỡng.
Tóm lại, những người sức khoẻ bình thường (không có tiền sử hay tiền căn sạn thận), chẳng có gì phải ngại ngùng với thực phẩm cao calcium hay oxalic. Chẳng lẽ những nhà tu hành trai trường cả đời đều bị sạn thận? Uống viên bổ sung calci còn chưa nhằm nhò gì, huống chi ăn tàu hũ, uống sữa đậu nành. Nhưng không phải vì thế mà…thách thức sạn thận bằng cách ăn dài dài các thực phẩm “nhạy cảm” trên, và ít uống nước. Ăn uống điều hoà, nay thứ này, mai thứ khác là tốt nhất.
Vũ Thế Thành
===
Đọc thêm: Mì gói gây sạn thận chỉ là chuyện hoang tưởng
.