Các chất chống oxid hóa được thừa nhận là có ích cho sức khỏe, có thể giúp phòng chống bệnh ung thư. , nhưng chỉ có những chất chống oxid hóa trong thực phẩm mới làm được chuyện này. Còn thực phẩm chức năng hay các viên bổ sung chống oxid hóa (antioxidant supplements) thì không thể, thậm chí còn tác dụng ngược. Nên cẩn thận với quảng cáo…
Vũ Thế Thành
Thực phẩm chứa chất chống oxid hóa có thể phòng chống ung thư

Thần dược chống oxid hóa chẳng có ích lợi gì trong việc ngăn ngừa ung thư cả, thậm chí trong vài trường hợp còn tệ hại hơn
Trong cơ thể người có 1 nhóm chất nguy hiểm gọi là gốc tự do (free radicals). Những chất này rất không bền, nên hung hãn tấn công bất cứ chất gì nó gặp, và biến chất đó thành gốc tự do. Chất sau lại quay sang tấn công chất khác, và cứ thế tấn công dây chuyền.
Trong cơ thể người lại có một số chất khác có khả năng vô hiệu hóa nhóm gốc tự do, cắt đứt tấn công dây chuyền, gọi là chất chống oxid hóa (antioxidants).
Nhóm gốc tự do và chất chống oxid hóa hình thành tự nhiên trong cơ thể người (nội sinh) trong quá trình sinh trưởng của tế bào. Tuy nhiên, các chất chống oxid hóa thường thiếu hụt và suy giảm theo tuổi tác, nhưng con người có thể bổ sung chất chống oxid hóa như caroten, lycopen, lutein, selenium (*), các vitamin A, C, E,… từ nguồn thực phẩm, nhất là rau quả, trái cây.
Nhóm gốc tự do cũng có thể do từ ngoài đưa vào như bị nhiễm từ khói thuốc lá, từ một số kim loại, nhiễm phóng xạ,…
Thực ra, nhóm gốc tự do cũng có ích, chúng đảm nhiệm vài chức năng miễn nhiễm, nhưng thường “đấm đá” bừa bãi, gây tổn hại đến những tế bào lành mạnh do đặc tính oxid hóa quá mạnh của chúng. Lợi ít, hại nhiều, nên cần vô hiệu hóa chúng.
Bình thường thì các nhóm gốc tự do và chất chống oxid hóa trong cơ thể cân bằng.Khi hàm lượng nhóm gốc tự do trong cơ thể tăng lên bất thường, chúng sẽ tấn công vào tế bào, nhất là làm tổn thương DNA, gây ung thư và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên súc vật cho thấy nếu lượng chất antioxidant ngoại sinh gia tăng (do ăn uống) có thể giúp ngăn ngừa rủi ro về ung thư. Những nghiên cứu và đánh giá của Mayo Clinic, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu y học và chữa bệnh ở Minnesota (Mỹ) cho rằng : ăn nhiều thực phẩm chứa chất chống oxid hóa giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư, động mạch vành, alzheimer và thoái hóa điểm vàng ở mắt.
Nhưng thần dược bổ sung chất chống oxid hóa thì không hiệu quả…
Các đại gia thực phẩm chức năng không bỏ qua cơ hội, tung vào thị trường các viên bổ sung chất chống oxid hóa vitamin C, E, selen, betacaroten…, quảng cáo như thần dược hỗ trợ phòng chống ung thư. Thực phẩm chức năng mà quảng cáo thì mát trời ông địa rồi. Nhưng các viên bổ sung này có hiểu quả thật không?
Viện Ung thư Quốc gia (Mỹ) đã đánh giá 9 nghiên cứu lâm sàng được kiểm soát ngẫu nhiên về các thần dược này. Phương pháp nghiên cứu được cho là có độ tin cậy cao hơn so với cách nghiên cứu quan sát.
Kết quả thật đáng buồn. Thần dược chống oxid hóa chẳng có ích lợi gì trong việc ngăn ngừa ung thư cả, thậm chí trong vài trường hợp còn tệ hại hơn, chẳng hạn chất beta carotene (tiền vitamin A) làm tăng rủi ro các ung thư liên quan đến thuốc lá, cũng như làm chết lẹ hơn nếu lỡ bị ung thư. Các đánh giá của Mayo Clinic cũng tương tự.
Chỉ riêng chất bổ sung selenium có thể làm giảm rủi ro ung thư ở đàn ông, nhưng thực nghiệm còn quá ít để đi đến kết luận.
Các chất chống oxid hóa trong thực phẩm thì có hiệu quả trong phòng ngừa ung thư, nhưng thần dược bổ sung chất chống oxid hóa thì không. Tại sao?
Mayo Clinic đưa ra giải thích: trong thực phẩm chứa cả hàng ngàn chất chống oxid hóa khác nhau, mà lợi ích của chúng đến nay vẫn chưa biết hết. Trong khi đó, thần dược bổ sung chỉ chứa 1 chất hoặc vài chất chống oxid hóa mà thôi.
Xạ trị là cách thức đẩy mạnh quá trình oxid hóa để giết tế bào ung thư. Vậy trong quá trình điều trị ung thư có nên uống thần dược chống oxid hóa? Câu trả lời dành cho các vị bác sĩ khi kê toa, thích “bổ sung” thêm thực phẩm chức năng.
Thực phẩm chức năng là phim truyện nhiều tập, mà nội dung quảng cáo cũng như kiểu bán hàng đa cấp của chúng là đề tài hấp dẫn, sẽ đề cập trong bài viết khác.
Pingback: Lại chuyện dầu dừa nóng lạnh | Cty Kỹ Thuật Nguyên Thảo
Pingback: Ăn vỏ đậu phộng? | Cty Kỹ Thuật Nguyên Thảo
Pingback: Bỏ uống sữa đâu phải dễ | Cty Kỹ Thuật Nguyên Thảo
Pingback: Trái bơ không phải là trái cấm | Cty Kỹ Thuật Nguyên Thảo
Pingback: Cà phê buồn ngủ | Cty Kỹ Thuật Nguyên Thảo