Nói tới caffeine là nghĩ tới cà phê. Ngộ độc caffeine là ngộ độc cà phê. Oan cho cà phê. Chất caffeine đâu chỉ có trong hạt cà phê, mà còn có nhiều trong lá trà, hạt cola, cacao, các loại nước ngọt có cola như Pepsi, Coca,… Nước tăng lực và kẹo chocolate còn chứa caffeine bạo hơn nữa.
Vũ Thế Thành

Với ngưỡng LD50 của caffeine là 150 -200mg/kg thể trọng, thì phải uống tới 100 ly cà phê mới vong mạng
Chất caffeine có nhiều trong hạt, lá cây và quả của một số loài thực vật. Nó làm một số loại côn trùng bị “phê”, bị tê liệt, thậm chí tiêu diệt luôn, do đó caffeine được xem là chất diệt côn trùng tự nhiên. Ở người, caffeine là chất gây kích thích hệ thần kinh trung ương, chống lại cơn buồn ngủ, làm tỉnh táo hơn. Lượng caffeine cao có thể làm tăng huyết áp, hồi hộp và đi tiểu nhiều. Tờ TGTT mới đây có đưa cảnh báo của cơ quan FDA (Mỹ) về trường hợp 1 học sinh ở Ohio chết vì đã dùng caffeine bột.
Ăn uống cái gì quá độ cũng dẫn đến cái chết. Liều LD 50 caffeine ở người (lớn) từ 150 -200mg/kg thể trọng, nghĩa là một người nặng 50kg, tiêu thụ từ 7,5 – 10 gr caffeine có nguy cơ tử vong ( 50% động vật thí nghiệm chết). Về mặt an toàn, chẳng ai dại dột đi sát ngưỡng LD 50 này, phải lùi xa cả trăm cả ngàn lần, càng xa càng tốt.
Có bao nhiêu chất caffeine trong tách cà phê?
Một tách cà phê espresso có khoảng 60 mg caffeine, ly trà xanh 35 mg, lon coca 30 mg, kẹo chocolate 168 gr có 104 mg, 1 lon nước tăng lực (nhỏ) có 80 mg,..
Những số liệu này trích ra từ tạp chí Journal of Food Science cũng chỉ có tính tương đối thôi, chẳng hạn trà xanh kiểu Mỹ thì uống như nước lọc, loãng nhách, trong khi 1 tách trà Việt Nam uống phê tới bến vì pha đậm.
Cà phê lại còn bí hiểm hơn nữa. Cà phê Việt Nam có loại “âm tính” với chất caffeine, uống xong có khi buồn…ngủ. Có loại pha ra đặc sệt, đen thui, đắng nghét, không biết hàm lượng caffeine bao nhiêu, nhưng những tay ghiền cà phê (thứ thiệt) uống vào cũng hồi hộp, tim đập mạnh như ai. Loại này còn bí hiểm hơn cả cà phê “âm tính”. Nói chung, hàm lượng caffeine trong 1 tách cà phê đa dạng lắm, vì tùy thuộc loại cà phê, hàm lượng caffeine ở loại Robusta (thông dụng ở VN) cao gấp đôi loại Arabica (thông dụng ở Âu Mỹ). Rồi còn tùy cách pha nữa, pha kiểu vớ lọc, pha kiểu “cái nồi ngồi trên cái cốc”, pha nén hơi (espresso) chiết suất nhiều caffeine hơn,… Thôi, cứ hào phóng du di cho mỗi tách cà phê có 100 mg chất caffeine cho…đẹp.
Với ngưỡng LD50 của caffeine như nói ở trên, thì phải uống tới 100 ly cà phê mới vong mạng.
Cậu học sinh ở Ohio bị tử vong là do dùng quá liều caffeine tinh chất (dạng bột). Một muỗng nhỏ chất caffeine này nặng cỡ vài ba gr, gấp cả ba bốn chục lần ở ly cà phê. Và với loại caffeine tinh chất dạng bột hay dạng viên thì liều gây tử vong thấp hơn so với uống cả trăm ly cà phê. Trong y dược, chất caffeine được dùng làm thuốc giảm đau nhẹ, có trong thành phần thuốc cảm, hoặc phối hợp với các loại thuốc giảm đau khác,..
Uống bao nhiêu ly cà phê mỗi ngày thì “quá liều”?
Điều này thì giới y học đưa ra lời khuyên mỗi người mỗi kiểu. Thực ra chưa có một khảo sát nào đáng tin cậy cả. Cà phê là thức uống quá phổ biến, Tây uống hà rầm, uống như uống nước, có người uống cà phê xong ngủ…khỏe. Vả lại, còn tùy thuộc vào mức độ dung nạp chất caffeine của mỗi người. Có người uống 1 ly cà phê đen là nôn nao, xót dạ, bồn chồn, tim đập mạnh,… Tuy nhiên giới y học đa số đều đưa ra ngưỡng 400 mg chất caffeine mỗi ngày là an toàn, tương đương khoảng 4-5 ly cà phê (thứ thiệt).
Chất caffeine có thời gian bán hủy sinh học khoảng 6 tiếng, nghĩa là 6 tiếng sau khi uống cà phê, thì 50% caffeine sẽ được thải. Dân nghiện thuốc lá, thời gian bán hủy ngắn hơn. Người mất ngủ vì cà phê, nên tránh uống trước giờ ngủ khoảng 5-7 tiếng. Tránh mà vẫn không ngủ được là lý do khác, đừng đổ thừa tại cà phê.
Vũ Thế Thành
.
Pingback: Tinh dầu cà phê có hại? | Cty Kỹ Thuật Nguyên Thảo
Pingback: Cà phê buồn ngủ | Cty Kỹ Thuật Nguyên Thảo