Đến phòng trà, uống cà phê nghe ca sĩ hát là cái thú của dân Sàigòn. Sau 75, những năm đổi mới, dòng đời mệt mỏi đi đến khúc quanh khác: hát karaoke, máy vỗ tay, máy chấm điểm, thành ca sĩ pro,.. Hát không cần người nghe, hát để xả stress. Ta hát mình nghe mãi cũng chán, karaoke chán, phòng trà nâng cấp thành… “Hát với nhau”.
Vũ Thế Thành
Văn nghệ Đà Lạt cũng trôi theo dòng biến đổi của Sài gòn. Vẫn còn những phòng trà đến để nghe ca sĩ (vườn) hát, hay đến quán cà phê nghe ca sĩ (ruộng) hát. Khán giả thành ca sĩ (ruộng).
Một trong những quán kiểu đó là cà phê Dương Tùng. Khách đến tìm lại dĩ vãng qua những ca sĩ (ruộng). Ký ức ghi nhớ lung tung, đâu ai giống ai, nên có những bản nhạc cả hơn 40 năm mới chợt nghe lại. Ký ức được san xẻ qua lại.
Gần 30 năm trước, chủ quán, thanh niên (Bắc kỳ 54) gặp thiếu nữ (Bắc kỳ 75) ở chợ Bến Thành. Họ hoà hợp, không cần hoà giải, kéo nhau lên Đà Lạt mướn nhà rông, mở quán hát hò, chết cái tên “Phương nhà rông”. Chủ quán, kiêm nhạc sĩ, kiêm ca sĩ (ruộng), kiêm MC, kiêm… đủ thứ, trả cho hết cái nghiệp…bầu sô. Quán long đong, đổi chỗ hết hơi. Bây giờ đậu lại cuối đường Nguyễn Công Trứ.
Ở Sàigòn, khách đến phòng trà “Hát với nhau” vào buổi chiều thường là khách già. Họ hết việc và rách việc cũng không chừng, tìm đến đây giải khuây, buồn tình hát vài bài, nhảy vài điệu. Không ồn ào, nhưng thân thiện.. Nhưng buổi tối, lại toàn giới trẻ, ồn ào, bốc lửa.
Quán Dương Tùng, khách đến lại hầu hết là thanh niên thiếu nữ có…tuổi. Quán nhỏ, nên ấm, bài trí cổ điển. Ai lên Đà Lạt, thấy mình chưa già thì nên tới đó, mà thấy mình đã già cũng nên tới đó luôn. Tới để thành ca sĩ (ruộng), chẳng lẽ “một đời dấu kín, đến khi xuôi tay còn thấy ngậm ngùi” hay sao?
Vtt