Lợi khuẩn, lợi tới đâu?

probiotic-3Lợi khuẩn được ca ngợi có thể phòng bệnh, trị bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn, viêm ruột, chàm, dị ứng, và cả ung thư . Lợi khuẩn có sẵn trong một số loại thực phẩm, bổ sung vào thực phẩm, hay ở dạng thực phẩm chức năng, tha hồ mà quảng cáo thần thánh. Tuy nhiên lợi ích của chúng đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới khoa học. Ít ra thì lúc này, lợi khuẩn vẫn chưa được xem là thuốc để điều trị.

Vũ Thế Thành

Lợi khuẩn và hại khuẩn đánh nhau

Dịch probiotics lợi khuẩn thì hơi gượng ép, quen miệng gọi thế thôi, chứ men (yeast) cũng được xem là probiotics.

Marketing, quảng cáo đi quá lẹ, nhưng nghiên cứu khoa học theo không kịp, nên người dùng probiotics vẫn mang trong lòng niềm tin, ăn thứ này, uống thứ nọ sẽ ngừa hay trị được bệnh kia, nhưng kết quả nhiều khi chẳng đi tới đâu.

Marketing, quảng cáo đi quá lẹ, nhưng nghiên cứu khoa học theo không kịp, nên người dùng probiotics vẫn mang trong lòng niềm tin, ăn thứ này, uống thứ nọ sẽ ngừa hay trị được bệnh kia, nhưng kết quả nhiều khi chẳng đi tới đâu.

Nói về số lượng thì, có cả tỉ tỉ vi khuẩn trong cơ thể người, nhiều gấp 10 lần số tế bào đủ loại của cơ thể cộng lại.

Nói về phân loại, thì chỉ riêng trong ruột già cũng có 500 loại vi khuẩn khác nhau.

Không phải vi khuẩn nào cũng gây bệnh. Đa số vi khuẩn đều hiền lành và có lợi cho sức khỏe, chỉ một số ít mới gây bệnh.

Lợi khuẩn ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh phát triển. Ở cơ thể người khỏe mạnh, thì vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại cân bằng nhau. Cân bằng ở đây không có nghĩa là bằng nhau về số lượng. Cân bằng này giống như mấy bà quang gánh, bên thúng nặng bên thúng nhẹ, và mấy bà biết cách ghé vai vào điểm nào của đòn gánh, để 2 thúng cân bằng nhau, rồi cứ thế nhịp nhàng quẩy gánh ra chợ.

Nếu sự cân bằng này bị phá vỡ thì phát sinh lắm chuyện phiền toái cho sức khỏe, chẳng hạn sau thời gian điều trị bằng kháng sinh, vi khuẩn có lợi cũng bị diệt khá nhiều, nên bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.

Lợi khuẩn là vi sinh vật nên cũng phải cho ăn để chúng sống và phát triển. Thức ăn của chúng được gọi là prebiotic, thường là các loại carbohydrates giống như chất xơ, không tiêu hóa được, nhưng có dây phân tử ngắn. Prebiotics có nhiều trong các loại hạt, chuối, hành, tỏi, mật ong,..

Lợi khuẩn có ít nhiều trong các sản phẩm lên men, và yogurt được xem sản phẩm tiêu biểu nhất, vừa dồi dào lợi khuẩn vừa có sẵn thức ăn cho lợi khuẩn (prebiotics). Ngoài ra, lợi khuẩn còn có trong một số thức ăn “đặc biệt”, do bổ sung thêm lợi khuẩn vào đó, hoặc ở dạng thực phẩm chức năng.

Khoa học thừa nhận

Khoa học thừa nhận một số lợi ích mà lợi khuẩn đem lại với một số bệnh:

Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy do nhiễm (khuẩn, virus hoặc ký sinh), hoặc do sử dụng kháng sinh lâu ngày.

Rối loạn tiêu hóa do bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease – IBD) và do Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome – IBS), gây đau bụng đầy hơi, tiêu chảy, táo bón,…

Một số lợi ích khác của lợi khuẩn cũng được cũng được ghi nhận như, ngừa và trị bệnh nhiễm nấm âm đạo (vaginal yeast infection) và nhiễm trùng đường tiểu (urinary tract infection), bệnh chàm (eczema), dị ứng, cảm lạnh,…

Một nghiên cứu mới đây (2014) do Quỹ của Bill and Melinda Gates tài trợ, dùng yogurt bổ sung thêm khuẩn lactobacillus rhamnosus. Thực nghiệm được làm tại Tanzania (Đông châu Phi), nơi có mức ô nhiễm thủy ngân và arsenic cao. Kết quả cho thấy, phụ nữ có thai giảm mức hấp thu thủy ngân tới 36% và arsenic 78%. Tuy nhiên, thực nghiệm còn chỉ ở quy mô nhỏ và không có ý nghĩa thống kê.

Thừa nhận nhưng vẫn dè dặt

Tuy thừa nhận một số lợi ích của lợi khuẩn, nhưng đa số các cơ quan an toàn vẫn tỏ ra dè dặt, khi cho rằng cứ ăn yogurt, hay thực phẩm bổ sung lợi khuẩn, hay thực phẩm chức năng chứa lợi khuẩn là có thể ngăn ngừa hay trị bệnh,

Có quá nhiều loại lợi khuẩn, mỗi loại có đặc tính khác nhau, và cũng có khi loại này và loại kia lại cùng công dụng. Lợi khuẩn lại phải dùng nhiều, và nhiều tới cỡ nào cũng chưa xác định được,… Nói chung còn nhiều rối rắm.

Nhưng trở ngại nhất có lẽ là do phương pháp nghiên cứu, chẳng hạn đối tượng là người suy dinh dưỡng chứ không phải người bình thường, và nhất là kết quả thực nghiệm lâm sàng không có ý nghĩa thống kê, nên không rút ra được kết luận, thiếu thuyết phục.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chưa xem probiotics là thuốc trị bệnh, mà chỉ là thực phẩm chức năng, cho phép tha hồ hồ quảng cáo lợi ích cho sức khỏe này nọ, nhưng cấm không được nói ngăn ngừa hay trị bệnh. Probiotics không phải là thuốc, không được nói bừa.

Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) siết chặt hơn. Quảng cáo có lợi cho sức khỏe cũng phải được chấp thuận của EFSA. Bởi thế EFSA bị các tay thương mại probiotics, núp sau các nhà khoa học marketing tấn công tới tấp, có khi nặng lời “Dẹp quách cái EFSA đó cho rồi!” Nhưng EFSA vẫn tỉnh bơ, chưa đủ bằng chứng khoa học là chưa đủ…

Cho đến nay, EFSA chỉ thừa nhận lợi ích của yogurt giúp cải thiện việc tiêu hóa đường lactose. Khỏi cần thừa nhận mấy bà cũng biết, uống sữa đi té re, vì cơ thể thiếu men tiêu hóa đường lactose. Trong yogurt, đa số lactose bị cắt làm đôi rồi, không đủ để gây tiêu chảy. Nếu ăn yogurt bị tiêu chảy là do yogurt bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh, chứ không phải do bất dung nạp đường lactose.

Đừng nuốt lợi khuẩn vì niềm tin quảng cáo

Lợi khuẩn không chỉ có trong yogurt hay thực phẩm lên men, nhiều thực phẩm khác cũng được bổ sung lợi khuẩn, hoặc lợi khuẩn ở dạng thực phẩm chức năng, và rồi quảng cáo bốc lên

Marketing, quảng cáo đi quá lẹ, nhưng nghiên cứu khoa học theo không kịp, nên người dùng probiotics vẫn mang trong lòng niềm tin, ăn thứ này, uống thứ nọ sẽ ngừa hay trị được bệnh kia, nhưng kết quả nhiều khi chẳng đi tới đâu. Họ quên rằng: bệnh thì nên đi bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Còn ăn uống nên cân bằng, rau quả thịt cá, nay thứ này mai thứ khác,…, chứ không chỉ nhắm vào lợi khuẩn hay các viên đa vitamin hay omega-3 thần thánh.

Dùng thực phẩm chứa lợi khuẩn nói chung là an toàn, nhưng dùng quá nhiều lại là vấn đề khác, nhất là với những người có vấn đề về hệ miễn nhiễm. Các thông tin về an toàn về lợi khuẩn mới chỉ dựa trên 2 nhóm vi khuẩn: Lactobacillus and Bifidobacterium, còn với những nhóm khác thì chưa rõ. Nếu dùng lợi khuẩn dạng thực phẩm chức năng, nên tham khảo ý kiến của bác sỹ.

Tiềm năng lợi ích do lợi khuẩn đem lại còn nhiều, không ai phủ nhận cả, nhưng cần thêm nhiều bằng chứng khoa học nữa để xác nhận, nhất là với những thực phẩm bổ sung lợi khuẩn hay thực phẩm chức năng.

Lợi khuẩn chỉ có ích với số lượng lớn và phải còn sống. Một hũ yogurt trái cây thơm lừng, ngon miệng. Các thành phần khác của yogurt cũng được xem là bổ béo ngang với sữa. Đúng! Xin cứ thưởng thức, nhưng đừng để ám ảnh bởi vài tỉ lợi khuẩn trị viêm ruột, tiêu chảy,…

Ở Mỹ, nếu “tiếc nuối” lợi khuẩn thì người ta mua yogurt loại “live and active culture” có chứng nhận, ít ngon hơn, nhưng hiệu quả trị tiêu chảy do dùng kháng sinh có thể có hiệu quả, tùy người. Nhưng cũng phải cẩn thận. Con số tỉ tỉ lợi khuẩn được chứng nhận là lúc sản xuất, còn khi ra tới cửa hàng, còn sống sót bao nhiêu thì không biết. Nên mua sát ngày sản xuất là tốt nhất

Còn ở Việt Nam, mấy bà nên tự làm yogurt ở nhà, tuổi thọ cỡ 1 tuần, nhưng chắc ăn rằng lợi khuẩn vẫn còn ngo ngoe.

Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)

—–

Tài liệu tham khảo:

 https://nccih.nih.gov/health/probiotics/introduction.htm  – Probiotics: In Depth

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23685375  – What is a health benefit? An evaluation of EFSA opinions on health benefits with reference to probiotics.

http://advances.nutrition.org/content/3/5/723.full  – Establishing and Evaluating Health Claims for Probiotics.

http://www.techtimes.com/articles/17395/20141007/another-probiotic-advantage-it-can-protect-against-heavy-metal-poisoning.htm Another probiotic advantage: Bacteria protects against heavy metal poisoning

.

This entry was posted in An toàn thực phẩm and tagged . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s