Một thiếu nữ 19 tuổi ở Anh tử vong sau một cơn co giật do ăn quá nhiều kẹo chewing gum (*). Mẹ cô gái cho rằng cô bị ngộ độc do đường aspartame hay sorbitol gì đó có trong kẹo. Aspartame là đường hóa học mà người bị tiểu đường thường dùng, còn sorbitol là loại đường polyol dùng làm thuốc trị táo bón, nói cách khác, ăn nhiều thì gây tiêu chảy.
Vũ Thế Thành
Tuy nhiên bác sĩ cho biết mức khoáng calcium, magnesium, sodim, potassium trong người cô rất thấp, gây ra những cơn co giật, phù não. Xét nghiệm tử thi tìm thấy trong bao tử cô có 4-5 búi chewing gum màu xanh, có mùi bạc hà. Những búi chewing gum này gây trở ngại cho việc hấp thu các chất khoáng trên, làm mất cân bằng điện giải, lên cơ co giật, biến chứng và tử vong.
Kẹo chewing gum làm từ những thứ gì?

Nhiều nghiên cứu cho thấy nhai chewing gum còn giúp cải thiện trí nhớ, tự tin, sạch miệng, giảm cân,…Tuy nhiên, những công trình này chỉ phục vụ bán hàng hơn là góp phần vào tri thức khoa học.
Kẹo chewing gum được làm từ 2 phần chính:
- Chất nền dẻo (gum base), có thể là gum thiên nhiên, gum tổng hợp hoặc cả hai, chất làm mềm, nhựa resin,…Công thức pha chế thế nào tùy nhà sản xuất. Trước đây người ta lo ngại trong thành chất nền có chứa nhựa vinyl acetate, có khả năng gây ung thư, nhưng sau này cho thấy nó vô hại. Nói chung chất nền “cao su” này được xem là an toàn, và không thể tiêu hóa được. Ăn bao nhiêu nhả ra bấy nhiêu.
- Các chất tạo hương, tạo ngọt, bột chống dính,…trong đó chất tạo ngọt được chú ý nhiều nhất. Các loại chewing gum “thế hệ trước” dùng đường ăn (sucrose) và đường hóa học (như aspartame, acesulfame K,…). Vì đường ăn gây sâu răng, béo phì, nên hiện nay người ta thay đường ăn bằng loại đường gọi chung là đường polyol. Bài này chủ yếu nói về đường polyol.
Ăn nhiều đường polyol gây tiêu chảy
Nhóm đường polyol là đường mà công thức của chúng có nhiều nhóm rượu (OH). Đại khái chúng cũng gần giống như đường ăn, đường glucose, fructose,.. nhưng mấy nhóm aldehyde bị chuyển thành nhóm rượu hết. Những đường polyol dùng phổ biến trong kẹo chewing gum là sorbitol, xylitol, maltitol, isomalt,…
Gọi đường polyol là đường hoá học thì cũng…tội, mà gọi là đường tự nhiên thì cũng hơi khó…nghe. Mặc dù đường polyol cũng có trong tự nhiên, nhưng có rất ít. Trong công nghiệp, người ta sản xuất polyol từ thực vật (tinh bột), thủy giải có xúc tác hoặc lên men, và sau cùng là hydrogen hóa để chuyển nhóm aldehyde thành nhóm rượu. Phản ứng hóa học rành rành ra đó, tác chất bị thay đổi như thế mà bảo là polyol chiết xuất tự nhiên từ cây này quả nọ, thì nghe sao được, phải không mấy ông quảng cáo?
Các loại đường polyol có chung những đặc điểm sau:
Cung cấp calo thấp, và độ ngọt cũng thấp, chỉ khoảng trên dưới 1/2 so với đường ăn. Rất hấp dẫn với người ăn kiêng giảm béo.
Đường polyol hấp thu ở ruột chậm, nên không làm đường huyết tăng vọt. Do đó có lợi cho người tiểu đường thèm ngọt.
Đường polyol không những hấp thu chậm, mà còn hấp thu không hoàn toàn. Phần không được hấp thu vào đến ruột già, và lên men ở đây (giống chất xơ). Trong quá trình di chuyển, polyol lôi kéo theo nước, làm tăng nhu động ruột, và làm mềm phân (ở ruột già). Đường polyol có tính nhuận trường, nói cách khác, có thể gây tiêu chảy nếu dùng nhiều. Đường sorbitol được dùng làm thuộc chống táo bón dạng thẩm thấu.
Đường polyol khi vào trong miệng, không bị chuyển hoá bởi các vi khuẩn ở miệng như đường thường (đường ăn, đường glucose, fructose,..), nên không phát sinh ra acid, gây sâu răng.
Thần thánh hóa đường xylitol
Trong số các polyol, thì đường xylitol còn có thể ức chế vi khuẩn (có hại trong miệng), nên được cho là có đặc tính phòng ngừa sâu răng. Ưu điểm phòng ngừa này được nhiều nghiên cứu xác nhận. Thế là các nhà sản xuất kẹo chewing gum tung hê đường xylitol lên hàng thượng đẳng. Chữ “Xylitol” được đặt vào nơi trang trọng nhất của nhãn sản phẩm, in thật to, thật đậm, hơn cả tên thương mại và tên nhà sản xuất.
Đường xylitol không gây sâu răng là điều có thể khẳng định, nhưng hiệu quả phòng ngừa lại là chuyện khác. Trong một duyệt xét 10 nghiên cứu từ năm 1991-2014 cho thấy (**), kem đánh răng có fluoride kèm với xylitol có thể làm giảm sâu răng ở trẻ em 13%, so với dùng kem chỉ có fluoride. Không đủ chứng cớ để xylitol kết luận có thể phòng ngừa sâu răng ở trẻ em, thiếu niên và người lớn.
Hạn chế đường ăn, đường polyol sướng rên
Đầu năm nay (2015), tổ chức WHO khuyến cáo không nên ăn quá 50gr đường/ngày, vì dễ gây sâu răng, béo phì, tiểu đường. Các nhà sản xuất đường polyol sướng rên, vì các loại đường polyol khá lý tưởng để thay thế đường ăn (sugar replacers).
Nói chung, đường polyol lành tính, hầu như không gây hại. Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều đường polyol dễ gây tiêu chảy. Tiêu thụ tới mức nào gây tiêu chảy thì tùy loại đường polyol, và cũng tùy thuộc cơ địa chịu đựng của mỗi người. Nhiều nước buộc dán nhãn cảnh báo, nếu sản phẩm chứa nhiều đường polyols
Đường polyol không chỉ dùng trong kẹo chewing gum, mà còn dùng trong kem đánh răng, nước súc miệng, bánh kẹo, kem, mứt…Chúng thường được dùng phối hợp với nhau để tận dụng ưu điểm của mỗi loại polyol.
Trong kỹ nghệ thực phẩm, đường polyol còn được dùng với nhiều công dụng khác, ngoài công dụng làm ngọt, chẳng hạn giữ ẩm, gây cảm giác mát miệng, chống biến tính protein khi trữ đông surimi,.. Trong chewing gum thường dùng đường sorbitol, xylitol, isomalt, kèm với đường hoá học acesulfam K hoặc aspartame. Chewing gum ngoài thị trường có ghi chữ“chewing gum không đường” (free-sugar chewing gum) là loại chewing gum không dùng đường ăn, chứ đường polyols và đường hoá học vẫn có trong thành phần.
Văn hóa chewing gum
Nhiều nghiên cứu cho thấy nhai chewing gum còn giúp cải thiện trí nhớ, tự tin, sạch miệng, giảm cân,…Tuy nhiên, những công trình này chỉ phục vụ bán hàng hơn là góp phần vào tri thức khoa học.
Nhai chewing gum là một dạng thể thao răng hàm mặt, nhai nhiều, hớp không khí nhiều, tiết nước bọt nhiều, đánh lừa hệ tiêu hóa hoạt động, liệu có lợi cho sức khỏe hay không? Hội Nha khoa Anh Quốc vẫn khuyên, phòng ngừa sâu răng bằng cách đánh răng 2 lần/ngày bằng kem có fluoride.
Một nghiên cứu của tổ chức Kantar Media cho thấy, Trung Đông, Mỹ và châu Âu nhai chewing gum nhiều nhất: 82% dân Iran xài chewing gum, Saudi Arabia 79, Mỹ 59, Tây Ban Nha 54, Pháp 52, Ba Lan 50, Hungary 49, Anh Quốc 44, Nam Phi 43, Maylasia 18, Thái Lan 16. Không thấy đề cập tới Singapore. Nghe nói mua kẹo chewing gum ở Singapore phải có toa bác sĩ.
Nhiều trường học cấm học sinh nhai chewing gum, vì các em nhả bã, bôi dính vào bàn ghế, học cụ, nhét cả vào ổ khóa. Nhiều nơi công cộng cũng không kém, trên xe buýt, xe lửa, siêu thị, máy bay… bã chewing cũng bị bôi trét tùm lum.
Trở lại trường hợp cô gái nuốt kẹo chewing gum. Báo chí cho biết mỗi ngày cô nhai trung bình 14 thanh. Lượng đường sorbitol có khoảng 1,25 gr trong mỗi thanh chewing gum. Tiêu thụ gần 20 gr sorbitol mỗi ngày như thế là nhiều, nhưng không đủ để gây ngộ độc, mà chỉ có thể gây tiêu chảy, hoặc giảm cân nếu dùng thường xuyên.
Ngay cả nuốt cũng thế, chewing gum khi vào bao tử sẽ không còn nhép dính nữa, và thường bị đào thải qua đường tiêu hoá. Cả vài búi chewing gum mắc kẹt trong bao tử, cản trở hấp thu khoáng chất là trường hợp hy hữu.
Chẳng ai nhai kẹo chewing gum lại nuốt bao giờ, kể cả con nít. Cô gái xấu số nêu trên đã 19 tuổi rồi, đâu nhỏ nhắn gì. Đúng là chẳng có dại nào giống dại nào.
Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)
===