Nửa đời hương phấn

Có những nghệ sĩ làm cutbachlanho khán giả nhớ mãi vở tuồng mà họ đã thủ diễn và ngược lại có những vở tuồng chấp cánh cho nghệ sĩ bay cao trên vòm trời nghệ thuật. Tuồng “Nửa Đời Hương Phấn”với  đôi nghệ sĩ uyên ương Thành Được & Út Bạch Lan là một thí dụ

Nguyễn Phương (soạn giả)

Nguồn : thoibao online

Thành Được & Út Bạch Lan

Đôi uyên ương nghệ sĩ làm sống mãi “Nửa Đời Hương Phấn”

.

Út Bạch Lan và Thành Được

Út Bạch Lan và Thành Được

Năm 1960, hai năm sau khi nữ nghệ sĩ Thanh Nga nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm, bà Bầu Thơ đưa đoàn hát Thanh Minh đi lưu diễn miền Hậu Giang, khởi đầu từ tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Sadec, Cần Thơ… vừa đi vừa tập tuồng mới để tạo thanh thế cho đoàn khi đoàn hát trở về Saigon, trước khi đưa Thanh Nga đứng tên cho bảng hiệu đoàn Thanh Minh-Thanh Nga.

Hai nghệ sĩ Út Bạch Lan và Thành Được gia nhập đoàn Thanh Minh thay thế chỗ của nghệ sĩ Út Trà Ôn và Hoàng Giang vừa rời đoàn để gia nhập đoàn hát Thủ Đô-Ba Bản. Hai soạn giả Hà Triều-Hoa Phượng được mời về thay thế soạn giả Thiếu Linh và Thu An. Vở tuồng Nửa Đời Hương Phấn của Hà Triều – Hoa Phượng được chọn làm vở hát khi đoàn Thanh Minh thay bảng hiệu thành đoàn Thanh Minh-Thanh Nga.

Tóm tắt chuyện tuồng Nửa Đời Hương Phấn

Tùng và người anh Hai Cang mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên được ông bác đem về nuôi. Đến tuổi trưởng thành, Tùng được giao trông coi một cửa hàng bán đồ điện ở Saigon. Tùng gặp một kỹ nữ giang hồ tên Hương, họ yêu nhau say đắm, nhưng bác và anh Hai Cang phản đối vì chuyện tình này ảnh hưởng đến phong tục tập quán của gia đình. Tùng nhất quyết sẽ làm lễ thành hôn với Hương.

Lúc đến nhà Hương ở trọ để báo tin vui, Tùng gặp Định. Đó là một tay “điếm đàng”, anh ta dọa sẽ cho gia đình của Hương ở dưới quê biết sự thật về cuộc đời “son phấn” của Hương với mưu đồ giữ Hương trong vòng tay của hắn, không cho Hương được lấy Tùng. Hương nuốt lệ, đành phải chia tay với Tùng bằng một bức thơ tuyệt tình. Hương giã vờ đóng kịch cho Tùng biết cô đã có chồng, đó là tên Định. Thấy vậy, Tùng bằng lòng đi cưới vợ theo sự sắp xếp của anh Hai Cang.

Hương về quê nhưng không may bà chủ nợ mò tới, nói cho cha mẹ cô biết Hương là gái giang hồ, cha cô giận quá đuổi cô đi. Lên Saigon, Hương tìm đến Tùng. Đến lúc này, anh Hai Cang mới tiết lộ chính anh đã năn nỉ Hương xa lánh Tùng. Hương đã âm thầm hy sinh để cho Tùng khỏi mang tội bất hiếu. Một bất ngờ khác, Diệu (vợ Tùng) chính là em ruột của Hương (ở dưới quê, tên thật của Hương là The).

Đau đớn tột cùng, Hương cắt tóc đi tu, khép lại vĩnh viễn quãng đời cay đắng.

Tùng đến chùa xin Hương tha thứ, mẹ và em của Hương khóc lóc, xin Hương hoàn tục, nhưng Nửa Đời Hương Phấn đối với Hương đã là dĩ vãng. Hương ngậm ngùi chôn thân trong chiếc áo nâu sòng mãi mãi…

Thành phần diễn viên diễn tuồng này đều là những ngôi sao sân khấu được khán giả ưa chuộng nhứt trong thời đó:

– Út Bạch Lan trong vai Hương (tên The ở quê)

– Thành Được trong vai Tùng (người yêu Hương)

– Hữu Phước trong vai Hai Cang (anh của Tùng)

– Ngọc Nuôi trong vai Diệu (em của Hương)

– Việt Hùng trong vai Định (tên sở khanh)

– Tám Vân trong vai Năm Tài Xế

– Ba Thanh Loan trong vai Hai Lung (chủ cho vay)

– Minh Điển trong vai Cha của Hương và Diệu

Trước khi gia nhập đoàn hát Thanh Minh, hai nghệ sĩ Thành Được và Út Bạch Lan tổ chức lễ cưới chánh thức, có ký giấy hôn thơ giá thú trước Tòa Đô Chánh Saigon. Việc này đối với nghệ sĩ là một việc hi hữu, vì xưa nay vợ chồng nghệ sĩ ít có khi nào ký tờ hôn thơ giá thú trước mặt nhà cầm quyền dù là ở làng xã hay tỉnh thành. Các tờ nhựt báo có trang kịch trường đăng tin và có lời bình là việc ký hôn thơ hôn thú đó chứng tỏ Thành Được và Út Bạch Lan yêu nhau tha thiết. Đó là một hình thức quảng cáo rất có lợi cho Út Bạch Lan và Thành Được và ảnh hưởng quan trọng đối với việc ca diễn của họ trên sân khấu. Thành Được có cái nhìn vô cùng trìu mến đối với Út Bạch Lan và Út Bạch Lan ca vọng cổ thật mùi, thật quyến rũ như lời tâm tình êm dịu nhất gởi cho Thành Được. Cả hai trong vai Tùng và Hương thể hiện một đôi tình nhân điển hình của những cặp tình nhân yêu nhau tha thiết nhất trong đầu thập niên 60.

Nghệ sĩ Út Bạch Lan, nổi danh là sầu nữ, giọng ca nghe thật êm nhưng đượm màu bi thảm, đóng vai Hương, cô gái giang hồ trong Nửa Đời Hương Phấn, thể hiện một số phận bất hạnh mà người đời xem qua vở tuồng đều có sự đồng cảm, nhất là nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan có giọng ca đa cảm, u sầu đến mức tuyệt vời làm nổi bật hình ảnh của cô gái “nửa đời hương sắc chưa nhạt mà đã lắm lần chua xót tâm tình”.

Điểm đặc biệt của vở “Nửa Đời Hương Phấn” là không vẽ lại nguyên nhân sa chân vào chốn bùn lầy, không tả tỉ mỉ những đêm vui thâu canh suốt sáng, mà kề bên ly rượu là những giọt nước mắt của cô gái giang hồ. Hương (Út Bạch Lan) trong giới son phấn giang hồ, vốn trước đó là một cô gái quê vì lỡ lầm trong mối tình đầu mà lỡ bước sa chân vào chốn “phong trần”. Cái tên The chân chất đồng quê biến thành tên Hương kiêu kỳ của chốn phồn hoa.

Mở đầu vở, Hương (Út Bạch Lan) vui sướng đón nhận tin Tùng sẽ tổ chức lễ cưới với cô nhưng tin vui chưa trọn thì bóng tối quá khứ ập về, tên Định (do Việt Hùng đóng), kẻ làm hại đời Hương trước kia, xuất hiện, lớn tiếng đe dọa sẽ cho thân nhân của Hương và Tùng biết là Hương đã từng làm “gái làng chơi”. Hương bàng hoàng, tiếng gõ cửa của gã háo sắc vô nhân kia báo hiệu nỗi bất hạnh, một lần nữa lại trở về. Út Bạch Lan đã diễn rất hay, chuyển từ tâm trạng đang vui đón hạnh phúc bỗng như bị sét đánh ngang mày khi tên sở khanh Định xuất hiện.

Hương muốn làm lại cuộc đời nhưng không dễ dàng vì dĩ vãng nhơ bẩn luôn được gợi lại mỗi khi Hương gặp lại tên Định sở khanh. Khi biết Định cũng đang ve vãn Diệu, em gái của Hương, Hương khéo léo kiếm lời khuyên Diệu qua bài Nam Ai thật là xúc động:

Hương (Út Bạch Lan ca Nam Ai)…

(…) Đã từ lâu chị xa cách quê nhà,
Sự đời từng trải qua, gặp lắm điều xót xa,
Trong chốn tình trường mấy ai thiệt lòng với ta
Tuổi của em đang độ xuân thời, nên lắm người tới lui
Khi bướm hưởng được hoa rồi, hoa không còn được ngày vui.

.

Nỗi khổ tâm của Hương là không thể nói thẳng những gì mình muốn nói mà chỉ có thể nói một cách ám chỉ để cho Diệu đoán ra mà thôi vì Hương bị Định làm hại cuộc đời con gái mà không thể nói thẳng cái tên sở khanh đó là Định. Giống như khi Hương biết Tùng sẽ cưới Diệu, em gái của mình, làm vợ, Hương cũng không thể nói sự thật đó cho Diệu biết Tùng chính là người yêu của Hương mà anh Hai Cang đã nhẫn tâm chia cách. Còn đau đớn nào hơn khi Hương nghe từ nỗi lòng tan nát mà phải bật ra câu… Chúc Mừng! Hương nói với Diệu (đến lúc này Diệu vẫn chưa biết sự thật trái ngang của cuộc tình giữa Tùng và Hương). Chính nỗi khổ tâm, ấp a ấp úng của Hương khi nói chuyện với Diệu trước mặt Tùng đã khiến cho câu chuyện tuồng thêm hấp dẫn và bài ca Phụng Hoàng trong lớp diễn này trở nên bất hủ khiến cho nhiều chục năm sau, các nghệ sĩ đàn em vẫn thường ca bản Phụng Hoàng này trong các trích đoạn cải lương:

Dù biết em thành hôn với ai đi nữa thì chị cũng ráng về với… (Hương ca Phụng Hoàng)
… Em… Để mừng ngày em xuất giá,
Cho vui lòng ba với má,
Chị cũng nở mặt nở mày với lối xóm bà con.
Còn Dượng Ba đây là một thanh niên có học thức, lại đàng hoàng,
Chị vô cùng sung sướng thấy em có một tấm chồng đúng như lòng chị ước mong.
 

Những oan trái khổ đau dồn dập đổ xuống đầu nhân vật Hương tạo cho Út Bạch Lan có nhiều đất diễn. Từ khởi đầu nỗi vui mừng được Tùng báo cho biết sẽ có lễ thành hôn giữa Tùng và Hương, vẽ nên một tương lai hạnh phúc của Hương và Tùng, nỗi vui chưa kịp trọn thì sự xuất hiện của gã sở khanh tên Định (do Việt Hùng thủ diễn), đã phủ trùm một màn mây đen tối lên viễn ảnh tình yêu của Hương và Tùng. Hương chưa được bình tâm thì anh hai Cang bắt Tùng phải xa Hương để đi cưới vợ do cha mẹ lựa chọn. Khốn khổ thay cho Hương, người vợ sắp cưới của Tùng lại là Diệu, em ruột của Hương. Hương đành chấp nhận định mệnh đau thương, cô trở về quê để mong xoa dịu nỗi đau và tìm lại sự yên tĩnh của tâm hồn. Thật là “họa vô đơn chí”, bà chủ nợ (do Ba Thanh Loan diễn) từ Saigon lặn lội theo dấu vết, tìm Hương ngay tại nhà của cha cô.

Sự thật của những tháng năm làm “gái phong trần” mà Hương giấu không cho gia đình biết bị bà chủ nợ nhẫn tâm nói toạt ra cho cha mẹ cô biết. Hương chết lặng người, tất cả những mưu toan tìm cuộc sống bình yên nơi quê nhà đổ vỡ. Cha Hương vừa thương con vừa giận dữ trước hành động làm điếm nhục gia phong của Hương:

Cha Hương (nghệ sĩ Minh Điển thủ diễn): Không có cha con gì hết! Người nói chuyện với tao, tuy là xác con… (ca Kim tiền Huế) The,… nhưng là hồn của con Hương. Trước kia mày là đứa con gái đàng hoàng, Nay mày lại đi làm bại hoại gia phong, lễ giáo nhà tao.

Tao cũng tin mày đi làm ăn chơn thật. Chớ tao đâu có dè mày đem tiết trinh đi bán cho người ta để nuôi mẹ cha. Trời ơi! đồ cái quân mất dạy. Đừng léo hánh về đây, để làm nhục tổ tông!

Hương ca: Con cúi đầu trăm lạy ba…

Cha Hương: Thôi, thôi, mày đừng có lạy lục mà chi. Cho tao thêm tổn thọ.

Hương ca: Xin ba nhìn nhận con là con The. Cho con ở lại, sớm hôm hầu cha mẹ…

Nỗi đau của Hương khiến cho Hai Cang nhận ra lỗi lầm, anh buộc lòng nói cho Tùng biết Hương giả vờ đóng vai trò phụ bạc Tùng là do yêu cầu của anh để cho Tùng chấp thuận đi cưới vợ theo lịnh của cha.

Tùng (choáng váng, khi gặp lại Hương): Em Hương, trong khi Tùng cưới vợ để trả thù Hương thì trái lại Hương đem cả tương lai, hạnh phúc mà dâng trọn cho…

(vọng cổ) Tùng… Thật còn gì cao cả cho bằng… Trời ơi, vậy mà bấy lâu nay Tùng nỡ nguyền rủa, nhẫn tâm khinh bỉ Hương. Nhưng Hương ơi, nguyền rủa và khinh bỉ là vì ta hiểu lầm nhau. Đớn đau chăng, khi ta hiểu lòng nhau thì Tùng đã lấy vợ xong rồi.

Hương nói: Thôi! Tùng hãy quên đi! Thương vợ cho gia đình được yên ấm, cho anh Hai được vui lòng… Hương cũng vui nữa.

Tùng: Không, Hương ơi, làm sao mà Tùng quên cho được. (nói với anh Hai Cang)… Anh Hai, em còn lòng dạ nào thương ai được nữa. Trời ơi, người như Hương mà anh cho là xấu xa. Anh ơi, xấu xa dĩ vãng không đáng sợ, có sợ là sợ xấu xa trong hiện tại và tương lai. Anh, anh hãy đi tìm khắp nơi xem có người đàn bà nào cao đẹp như vầy… Tùng sẽ đi với Hương, chúng tôi sẽ sống chung với nhau, dù trong mái tranh vách lá nghèo nàn.

Nhưng mọi sự đã muộn màng. Hương đã đoạn lìa dĩ vãng, Hương xuống tóc đi tu, gởi lại mái tóc cho mẹ già:

Hương: Má ơi! Mái tóc dài đậm đượt, con đã từng ve vuốt ấp yêu. Nơi phồn hoa, trong một buổi chiều, người ta đã cắt đi của con phân nửa. Rồi trong một đêm vừa đau vừa tủi, con lại cắt đi mái tóc sau cùng. Con đau lòng ngất lịm. Khi tỉnh dậy, sờ lên đầu thì tóc đâu không còn thấy nữa, con hoảng hốt la lên… Trời ơi, ai đã cắt tóc của tôi! Má ơi, chừng nhớ ra chính tay con đã cắt tóc của con rồi…

(Vọng cổ) Mớ tóc mà hơn hai mươi năm trời… ngày đêm con săm soi ngắm nghía, tha thiết tâng tiu, nay nhìn mái tóc kia rời khỏi đầu, lòng con đành đoạn từng cơn. Đoạn lìa mái tóc ngày xuân thì chẳng khác nào con cắt đoạn lìa quãng đời má phấn mày xanh!

Má ơi! Đây là phân nửa tóc mà con giữ mấy năm trường. Nay con xin gởi lại cho má với ba, mái tóc dịu mềm suôn sẻ này là của đứa con lạc loài bạc phận. Còn nửa mái tóc kia là mớ tóc nửa đời hương phấn, con đã chôn trước cửa Phật đài.

Số phận con đã không may
Kiếp hoa tàn héo, đọa đày truân chuyên.
Tóc xanh gởi lại mẹ hiền
Đời con khép kín cửa Thiền từ đây.

Nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan với ưu thế giọng ca bi thảm đã làm cho khán giả khóc mùi mẫn, thương cho số phận đắng cay của Hương, trong khi đó thì Thành Được rất đẹp trai trong vai Tùng, lối ca trầm ấm làm đậm thêm thâm tình giữa Tùng và Hương. Khi chia tay, Tùng (Thành Được) đã diễn được nỗi khổ đau của một gã thanh niên vì quá yêu mà bị phụ tình, Tùng (Thành Được) như một hình ảnh đối nghịch với hạnh phúc của Hương, khi thì rất đẹp, sát ngay tầm tay, có thể với bắt, khi thì như cái bóng xa vời, một thứ ảo ảnh của mối tình phù du, như có như không.

Chung quanh hai nhân vật chánh Tùng (Thành Được) và Hương (Út Bạch Lan) Việt Hùng trong vai Định, kẻ sở khanh làm hại cuộc đời và hạnh phúc của Hương. Khó có diễn viên nào diễn vai Sở khanh hay hơn anh Việt Hùng vì Việt Hùng khi diễn vai Sở Khanh, anh có lối nhìn rất đểu cáng, nụ cười vừa thu hút vùa đậm nét lừa đảo. Việt Hùng trong vai Định sở khanh làm tăng thêm nét đáng thương của Hương, nạn nhân bị lừa đảo.

Nghệ sĩ Minh Điển, người cha nghiêm khắc; cô Ba Thanh Loan trong vai mụ cho vay; Ngọc Nuôi, trong vai Diệu; Tám Vân trong vai Tài xế; hề Kim Quang trong vai anh bán bánh mì dạo, tất cả những nghệ sĩ tài danh đó đóng những vai trò làm nền cho cuộc tình dang dở của Tùng và Hương, đã tô đậm thêm bức tranh tình cảm mà trong xã hội thường thấy xảy ra trong đầu thập niên 60, khiến cho khán giả khó quên chuyện tuồng Nửa Đời Hương Phấn và những nghệ sĩ đã diễn tuồng đó.

Nhớ thuở hoàng kim của sân khấu cải lương…

—-

Nguyễn Phương là soạn giả tuồng cải lương trước năm 75

.

.

This entry was posted in Lướt web and tagged . Bookmark the permalink.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s